B.Bình Dương “đấu” HN.T&T + SHB.ĐN: Đấu với người, chống lịch sử & thắng chính mình
Điều tích cực và người hâm mộ nơi đây cũng muốn nghe hơn, là liệu Bình Dương có thể đơn phương chiến thắng cặp “song kiếm hợp bích” SHB.ĐN và HN T&T khi đua vô địch V-League.
Chuyên môn: Nhiệm vụ trong tầm tay
Bình Dương đã đè bẹp Khánh Hòa tới 4-0. Một tỉ số thường xảy ra ở sân Gò Đậu trước kia, nhưng khi nạn nhân của nó là Khánh Hòa, đội bóng đứng thứ 3 trên BXH trước vòng 10, rất đáng khâm phục.
Trận thắng 4-0 ấy lại chỉ là 1 trong chuỗi 4 trận thắng liên tiếp ở 2 mặt trận AFC Cup và V-League với hiệu số bàn thắng có phần điên rồ, là 4 bàn/trận, và họ chỉ thủng lưới đúng 1 lần (thắng Navibank SG 3-1).
Ở BĐVN, kể cả khi chúng ta biết rằng có những đối thủ dưới tầm, và có những trận đấu đôi khi tính trung thực là điều cần phải suy xét, thì những thông số đó cũng đáng được coi là chỉ có chỉ ở những cỗ máy có sức hủy diệt.
.jpg)
Bình Dương đã thua HN T&T chỉ vì khi ấy họ muốn thua và “tiễn” HLV Mai Đức Chung
Bình Dương thưc sự là cỗ máy tấn công, kể cả khi người ta “vặn” lại rằng trong số 3 cựu Vua phá lưới có Amaobi đã hết thời, Elenildo đang khủng hoảng phong độ, còn Kesley khi đã cưới vợ chỉ bằng một nửa so với thời anh là thanh niên. Vì hiếm có chân sút nào ở V-League lại toàn diện như Kesley, chưa có ai có cái chân trái ma thuật như Philani, và không có chân sút nội nào đạt phong độ cao như Anh Đức. Đó là chưa kể tới Vũ Phong, một cầu thủ chạy cánh đẳng cấp khu vực.
Cứ chơi như thế, hẳn là Bình Dương sẽ không ngán ngại bất cứ đối thủ nào ở V-League. Sự bổ sung của Lee Nguyễn ở giai đoạn hai, nếu biết hòa nhập và không làm mất cân bằng giữa công và thủ, thì Bình Dương sẽ tự tạo cho mình một đẳng cấp khác ở V-League.
Lịch sử: Con người tạo nên và con người thay đổi
Có một thực tế vẫn tồn tại giống như thách thức với tất cả các ông chủ ở V-League, là trong mùa giải mà họ đã ra tay chém tướng thì kết cục cuối mùa không bao giờ có hậu: chưa có đội nào thay HLV giữa mùa rồi cuối mùa lại vô địch. HAGL, ĐTLA, Đà Nẵng và chính Bình Dương đã nếm trải điều này.
Thế thì Bình Dương liệu có thể thay đổi được lịch sử? Có vẻ là khó, nếu nhìn ở sự chuyển biến theo hướng tích cực, ổn định dần lên của cả giải đấu càng khiến cho các CLB phải chém tướng khó lội ngược dòng. V-League 2008 trở về trước, các đội chỉ cần chơi tốt ở lượt về là đạt mục tiêu. Còn giờ đây, mọi cuộc đua đều cạnh tranh ngay từ lượt đi. Chưa hết 13 vòng, số điểm nhiều CLB đạt được đã xấp xỉ 20.
Nhưng lịch sử là do con người tạo nên, và cũng chính con người sẽ viết tiếp hoặc mở sang một trang mới. Năm 2008, ĐTLA suýt chút nữa đã làm được điều đó, nếu như các cầu thủ ở đó không rắp tâm đá bay HLV Patricio.
Nhiệm vụ của Đặng Trần Chỉnh là làm sao không để các cầu thủ ở Bình Dương bẻ gãy chân ghế của ông như đã làm với Mai Đức Chung. Ông Chỉnh dường như đang tìm cách để tất cả ở Gò Đậu được hạnh phúc (dù không đều) khi những cầu thủ từng bị cất vào kho, hoặc chỉ đá dự bị ở V-League đã được sử dụng hoặc đá chính như Amaobi, Hữu Thắng, Đức Thiện…
“Hai đánh một không chột cũng què”. Bình Dương không “chột”, cũng không “què”, mà lại vô địch mùa này, sẽ là một điều kỳ diệu-sự diệu kỳ của lẽ công bằng.
Sổ tay: Thế mới là anh em |