Đào Văn Phong: Ngư phủ và cầu thủ

Nếu không có bóng đá, có lẽ giờ Văn Phong là ngư dân bình thường. Ảnh: Nhất Nguyên
Một trong những lý do khiến Phong bị chấn thương và chỉ được phát hiện rất muộn, là do K.KH từ vài năm gần đây không có một bác sĩ chuyên trách nào cả. Trợ lý Nguyễn Tý chỉ biết mỗi việc cầm bình xịt lạnh phả vào những chỗ mà cầu thủ kêu đau. Hết! Những người như Văn Phong phải tận dụng tối đa mối quan hệ (với bác sĩ trên tuyển) và tự mình đi khám, rồi điều trị. Quả là nghiệt ngã! |
Cơn bĩ cực qua đi, ma túy bây giờ không còn hoành hành như trước được nữa. Cờ bạc hay mấy trường gà vẫn hoạt động, nhưng bí ẩn hơn và cũng bó hẹp chỉ với những người làm… “nghề” này. Cứ lấy một ví dụ, rằng chỉ cần thoáng thấy bóng dáng một người lạ mặt xuất hiện từ đầu ngõ, mấy người cảnh giới cầm điện thoại lên a lô và trường gà giải tán ngay sau 5 giây. Xới bạc cũng thế. Không ai dám chắc rằng, nếu ngày ấy đám trẻ con như Văn Phong, Quang Hải không lấy trái bóng làm niềm vui, thì bây giờ chúng sẽ như thế nào. Có thể là ngư phủ, cũng có thể không. Có thể đang thất nghiệp, sống vất vưởng. Cũng có thể…
Cuộc sống khá giả với nghề chài lưới, người dân xóm chài thảnh thơi hơn và cũng biết thưởng thức hơn. Người ta bắt đầu nói chuyện bóng đá nhiều hơn, kể từ ngày Quang Hải, rồi Văn Phong - những đứa con, đứa cháu của họ, lên tuyển và tỏa sáng. Bóng đá thay đổi một phần lối suy nghĩ của xóm chài, rằng nghề đánh cá không phải là độc đạo nữa. Đào Văn Phong hay Nguyễn Quang Hải hẳn phải là những đại sứ, trong việc định hướng suy nghĩ của đám trẻ xóm chài bây giờ. Nói thế cũng không quá lời. Nhưng, bóng đá cũng không phải là nghề dễ xơi. Phải có những đánh đổi, những giọt mồ hôi trên sân tập, những chấn thương - mất mát và cả máu...
Cho đến trước khi Quang Hải trở thành người hùng ở AFF Suzuki Cup 2008, anh không ít lần đã phải rơi lệ. Khi Văn Phong trở thành đội phó K.KH và luôn có trong kế hoạch của HLV Calisto trên tuyển, thì đã rất nhiều lần phải trải qua đau đớn, chia ly. “Em có thể được chọn không?! Anh đã biết 2 người bị loại trong đợt tập trung này chưa?”, những câu hỏi dồn dập mà Phong đặt ra với người viết, bên rìa sân tập ở Hàm Rồng - Gia Lai, tháng 9/2008. Chấn thương vùng lưng và cái đầu gối phải, khiến Văn Phong không thể “nuốt” trọn giáo án như bao đồng đội. Anh tập ở ngoài sân, cùng với Ngọc Thanh. Và cũng không phải đợi lâu, Phong và Thanh phải thu dọn hành trang ra về, vì nhiều lý do khác nhau. Thêm một lần Đào Văn Phong lỡ hẹn.

Bóng đá đem lại cho Phong (phải) tất cả. Ảnh: Nhất Nguyên
Cuộc sống vẫn chảy, vẫn tươi đẹp theo những cách cảm nhận khác nhau của mỗi người. Văn Phong (sắp lên chức bố) là người trầm tính, ít nói, nhưng cũng rất biết trước sau. Bóng đá đem lại cho Phong tất cả và anh luôn ý thức được trách nhiệm với nó. Đó là lý do mà mỗi lần lâm trận, dù phải dùng thuốc giảm đau trước đó, thì chàng ngư phủ Đào Văn Phong lại chiến đấu như một cảm tử quân. Một phẩm chất rất quý và của riêng người xóm chài. Không nhiều cầu thủ Việt Nam ý thức được điều này, khi những đôi chân được định giá bạc tỷ.
“Nếu không có bóng đá, bây giờ Văn Phong đã là một ngư dân bình thường, với những chuyến đi biển dài ngày và cuộc sống phụ thuộc vào từng mẻ lưới. Nếu không bị chấn thương, cậu ấy được ra sân đều đặn, được ý thức giá trị và được trả đến gần 40 triệu đồng/tháng. Phải nói là cậu ấy đã gặp may chứ sao nói xui được”, cựu HLV K.KH, Nguyễn Ngọc Hảo nói về cậu học trò cũ. |