Đưa nước sạch về nông thôn
Còn đây là hình ảnh chúng tôi ghi lại được trong ngày lễ khánh thành trạm xử lý và cấp nước sạch ở trường mầm non xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng do Hội CTĐ tỉnh Hà Nam tổ chức. Công trình do Công ty CP đầu tư và ứng dụng công nghệ cao HCT tài trợ với tổng kinh phí là 200 triệu đồng. Trạm xử lý và cấp nước sạch được xây dựng theo công nghệ hiện đại với phương pháp sục oxy theo quy trình tuần hoàn và sử dụng hạt PAC làm tăng quá trình lắng. Kết quả xét nghiệm mẫu nước sau khi lọc theo phương pháp này cho thấy hàm lượng asen trong nước giảm đến 37 lần, từ 0,37mg/lit xuống còn 0,01 - 0,02mg/lit - phù hợp với quy chuẩn quốc gia về nước sinh hoạt. Với một xã có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng và chưa có hệ thống nước sạch để sử dụng như xã Hoàng Tây thì đây là một công trình có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giúp cô và trò trường mầm non xã Hoàng Tây có nguồn nước sạch quý giá sử dụng, đảm bảo tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Thời gian quan, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại tỉnh Hà Nam đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực với chỉ tiêu số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế tăng nhanh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng được 57 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó có 12 công trình do Sở Nông nghiệp & PTNT làm chủ đầu tư, còn lại là các công trình do doanh nghiệp tư nhân, UBND các huyện, xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Việc đưa các dự án nước sạch nông thôn vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Tính đến hết năm 2014, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 85% và ước đến hết năm 2015, con số này sẽ trên 90%.
Được sử dụng nước sạch là niềm ao ước của nhiều người dân nông thôn. Vì vậy để hoàn thành mục tiêu 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh có nước sinh hoạt hợp vệ sinh cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình; đa dạng hóa các công trình đầu tư, khuyến khích sự tham gia của nhân dân và các thành phần kinh tế vào việc phát triển nước sạch và VSMTNT. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức nhân dân về sử dụng nước sạch. Đồng thời, không ngừng cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ và xây dựng trạm cung cấp phù hợp với từng địa phương, bảo đảm chất lượng nước, tăng tính bền vững cho công trình theo hướng đơn giản trong quản lý, vận hành, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và tiết kiệm đầu tư.