Hiểm họa từ rác thải khẩu trang
14/01/2021 07:32
Hàng tỷ chiếc khẩu trang thải ra môi trường vào năm ngoái đang gây áp lực lên các loài động vật hoang dã ở cả trên cạn và dưới nước.

Khỉ Macaque nhầm khẩu trang bỏ đi là thức ăn. Ảnh: CFP.
"Khẩu trang y tế sẽ không sớm biến mất. Loại mặt nạ bảo vệ mỏng manh này có thể mất hàng trăm năm để phân hủy ngoài tự nhiên. Khi bị thải ra môi trường, chúng gây hại cho các loài động vật hoang dã", Ashley Fruno thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật PETA nói với AFP.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhiếp ảnh gia đã bắt gặp hai mẹ con khỉ Macaque nhai ngấu nghiến một chiếc khẩu trang bỏ đi bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia do nhầm lẫn là thức ăn.
Trong một sự việc gây xôn xao dư luận khác ở Anh, tổ chức bảo tồn RSPCA đã báo cáo phát hiện một con mòng biển nằm bất động dưới mặt đất do bị quai đeo khẩu trang quấn quanh chân ở thành phố Chelmsford. "Con vật chắc hẳn đã mắc kẹt trong một thời gian dài bởi khớp chân của nó bị sưng lên", thanh tra Adam Jones của RSPCA cho biết.

Hàng nghìn tấn khẩu trang bị rửa trôi xuống biển vào năm ngoái. Ảnh: Florida News Times.
Rác thải khẩu trang không chỉ ảnh hưởng tới các loài trên cạn. Theo nhóm môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỷ chiếc khẩu trang y tế đã bị rửa trôi xuống các đại dương trên thế giới vào năm ngoái, tương đương khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều sinh vật biển.
Các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang bên trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó dạt vào bờ. Một mảnh khẩu trang khác cũng được tìm thấy trong xác cá nóc trôi nổi ngoài khơi bờ biển Miami của Mỹ. Hồi tháng 9, các nhà hoạt động vì môi trường của Pháp còn phát hiện một con cua chết do mắc kẹt bên trong khẩu trang ở một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải.
"Khẩu trang và găng tay là hiểm họa đặc biệt đối với sinh vật biển. Khi những loại vật liệu nhựa này phân hủy, chúng tạo thành các hạt nhỏ hơn được gọi là vi nhựa, thứ sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng tác động đến toàn bộ hệ sinh thái", nhà khoa học George Leonard từ tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở ở Mỹ cho biết.
Đã có những lời kêu gọi hướng tới việc dùng khẩu trang vải có thể tái sử dụng, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn khẩu trang y tế bởi chúng nhẹ và dễ chịu hơn khi đeo.
Theo các nhà vận động vì môi trường, giải pháp tốt nhất là xả rác đúng chỗ và cắt quai đeo của khẩu trang để giảm nguy cơ động vật bị mắc kẹt. OceansAsia cũng cũng kêu gọi các chính phủ tăng tiền phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi và khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang có thể giặt được.
Theo Vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Tin mới đăng
• Găng tay công nghệ dành cho bệnh nhân Parkinson
• Đưa vệ tinh NanoDragon sang thử nghiệm tại Nhật Bản
• Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thay đổi phương thức quản lý công dân
• Đây sẽ là điện thoại được chờ đợi nhất từ Google
• Xu hướng công nghệ đáng chú ý năm 2021
• Cuộc chiến chống vi nhựa: Những hướng đi mới
• Điện thoại Samsung sẽ được cập nhật bảo mật trong 4 năm
• Robot NASA lần đầu tiên chụp ảnh toàn cảnh sao Hỏa
• Card đồ họa "cháy hàng", tăng giá gấp đôi tại Việt Nam vì cơn sốt tiền ảo
• Tàu thăm dò NASA hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa
Tin bài đã đăng