“NỖI VẤT VẢ CỦA NGƯỜI THƯƠNG BINH NGHÈO”

Nghĩ về con, ruột gan ông Hàm - bà Ngọc như thắt lại. Nỗi đau bị quân thù tra tấn, hành hạ của ngày xưa cũng không làm cho ông đau đớn như bây giờ. Chúng đánh đập cũng chỉ làm cho sức khỏe ông suy kiệt, chứ không làm cho tinh thần ông suy sụp và héo hắt thế này. Sinh được 3 người con thì 2 người không được bình thường. 1 người đã đi lấy chồng xa nhưng hoàn cảnh cũng còn khó khăn lắm, không giúp được gì cho bố mẹ. Điều khiến ông đau lòng nhất, là 2 người con trai của ông, khi xưa vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng chục năm trở lại đây bỗng trở nên ngây dại. Ảnh hưởng của chất độc da cam ư? Ông cũng không có tiền mà cho con đi xét nghiệm. Họ cứ lầm lũi sống như thế, ngày qua ngày…
Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó, thương chồng, thương con, bà Ngọc chỉ biết cố gắng vun vén, chắt chiu từng đồng bạc để có tiền ăn và thuốc thang cho cả nhà. Vì lao lực, mà giờ đây, bà cũng đang phải sống chung với căn bệnh huyết áp cao và đau dây thần kinh tọa. Vừa vắt kiệt sức để lo cho cuộc mưu sinh, vừa chống chọi lại với bênh tật, tâm can bà Ngọc lúc nào cũng như lửa đốt. Vất vả thế nào bà cũng chịu đựng được, nhưng gánh lo cho bệnh tình và sức khỏe của người mẹ già, của người chồng đau yếu, của 2 đứa con không bình thường lúc nào cũng đè nặng, làm bà thêm héo hon, chỉ trực gục ngã. Ba thế hệ, 5 con người đau yếu triền miên cùng chung sống trong căn nhà nền đất lụp xụp. Thật quá thương tâm!
Không có ruộng để tăng gia sản xuất, mọi sinh hoạt và thuốc thang của cả gia đình trong một tháng chỉ dựa vào hơn 700 nghìn tiền phụ cấp thương binh của ông Hàm và 270 nghìn tiền trợ cấp người tâm thần của người con trai thứ 2. Người ta về già thì được hưởng an nhàn, sum vầy bên con cháu, nhưng với ông Hàm và bà Ngọc, ước mơ ấy là quá xa vời. Ông bà chỉ mong tiếp tục chống chọi lại được với bệnh tật để lo cho mẹ già, con dại. Người ta nói, ở hiền thì gặp lành, nhưng ông Hàm luôn tự hỏi: 1 phần đời ông đã cống hiến, hy sinh vì Tổ Quốc, mà giờ đây, khi đã đi gần hết cuộc đời, sao ông vẫn nặng gánh lo toan?