Rộn ràng Tết Đại Hoàng

Một góc làng Đại Hoàng hôm nay
Từ TP Phủ Lý, trải qua chặng đường gần 40 cây số, chúng tôi đã về đến làng Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu). Đại Hoàng hôm nay không còn hình ảnh về những chiếc lò gạch cũ, hay những căn nhà đơn sơ, mái lá từng làm ám ảnh tâm trí của bao thế hệ người đọc qua những tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Thay vào đó là những căn nhà cao tầng san sát, đường làng ngõ xóm bê tông kiên cố, sạch đẹp. Đang là những ngày giáp Tết nhưng không khí lao động sản xuất của bà con nơi đây rất rộn ràng.
Cách nhà cụ Ngọc không xa là cơ sở sản xuất cá kho Phong Thực - một trong những cơ sở sản xuất cá kho có tiếng trong vùng đang tấp nập người ra vào. Trước đây, cá kho Nhân Hậu chỉ nhằm phục cho các bữa cơm gia đình, để gửi cho con cháu ở xa. Thế rồi cái hương vị thơm ngon đậm đà ấy được truyền từ người này qua người khác, người ta bắt đầu tìm về làng Nhân Hậu để được thưởng thức món ăn tưởng chừng rất dân giã này. Hiện nay, cá kho Nhân Hậu không chỉ có tiếng ở trong nước mà còn được gửi ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày cơ sở sản xuất cá kho Phong thực xuất đi vài trăm niêu cá, đều do khách đặt trước.
Theo anh Trần Xuân Thực, chủ cơ sở sản xuất cá kho Phong Thực: để có được nồi cá kho ngon đúng kiểu thì người làm phải rất cầu kỳ, cẩn thận trong tất cả các công đoạn, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu đến quy trình chế biến, đun nấu. Có tận mắt chứng kến mới thấy được sự cầu kỳ, tỷ mẩn cũng như tấm lòng của người dân Nhân Hậu gửi vào mỗi nồi cá kho.
Cá phải là cá trắm đen, từ 4kg trở lên, được làm sạch, bỏ đầu, bỏ đuôi
Niêu được mua ở Nghệ An nhưng vung thì phải đặt từ Thanh Hóa để đảm bảo chất lượng nồi cá khi kho
Riềng, gừng, nước cốt chanh, kẹo đắng, nước mắm ngon là những gia vị không thể thiếu
Cá được kho bằng củi nhãn vì than đượm và giữ lửa rất lâu
Quá trình kho phải bổ sung nước cốt chanh để nồi không bị cạn
Không chỉ cá kho, Đại Hoàng còn nổi tiếng với chuối ngự - loại chuối xưa kia được dùng để tiến vua với vị thơm ngon, mỏng vỏ và dẻo, ngọt rất riêng. Gắn bó lâu năm với nghề trồng chuối và cũng là thành viên cốt cán của Hiệp hội trồng chuối ngự Đại Hoàng, ông Trần Khắc Năm tự hào chia sẻ về bí quyết giúp loại chuối ngự của Đại Hoàng có vị ngon đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Do được sông Hồng và sông Châu quanh năm ôm ấp, bồi đắp cho Hòa Hậu những màu mỡ phù sa, quý hiếm – điều kiện lý tưởng để vạn vật sinh sôi, nảy nở. Người dân Đại Hoàng gắn bó, thân thiết với mảnh đất này đến nỗi một người nông dân mộc mạc như ông Năm cũng biết được trong nắm đất quê mình có đến gần 30% là cát pha, và tỷ lệ này đặc biệt thích hợp cho giống chuối ngự.
Bên cạnh đó, để tạo ra được thứ đặc sản nức tiếng như chuối ngự, người dân nơi đây đã chăm sóc cho từng gốc chuối như chăm chính đứa con của mình vậy. Từ vị trí trồng, đến khoảng cách giữa các bụi, rồi bón phân gì, trừ sâu ra sao, chăm sóc thế nào để có được những buồng chuối ưng ý.
Cùng với thiên nhiên ưu đãi thì chính sự hồn hậu, tự nhiên từ cách sống, cách cảm đến cách làm ra những món đặc sản giống như cái tên làng "Nhân Hậu" của người dân nơi đây đã làm nên những nét đặc trưng rất riêng của mảnh đất này.
Chuối ngự Đại Hoàng được bày bán tại TP Phủ Lý
Như Quỳnh – Lê Hùng