Serie A kết thúc mùa bóng 2009-10: Những gì đọng lại
![]() Inter VĐ Serie A mùa 2009-10, ảnh Getty
|
Trên đỉnh cao chói lọi, Inter thống trị tất cả, mạnh hơn tất thảy, và nếu có thua một vài trận trong mùa bóng (điều hoàn toàn dễ hiểu đối với bất cứ đội bóng lớn nào) thì chẳng qua cũng chỉ để xả hơi một thời gian và không làm cho Serie A trở nên nhàm chán đi. Không giành được những điểm số kỉ lục như trước nữa, thành tích mùa này xét trên điểm số của họ là thấp nhất trong số những mùa bóng đã qua, nhưng tầm vóc của Inter đã được nâng lên ở mức cao chưa từng có trong những năm tháng của triều đại Moratti: Inter thống trị Serie A theo cái cách mà Juve đã làm với giải đấu, coi đấy như vườn nhà mình (thời kì đỉnh cao với Helenio Herrera và Moratti cha, từ 1963 đến 1966, Inter đoạt 3 Scudetto trong 4 mùa giải), nhưng cũng đại diện cho Italia trên đấu trường lớn nhất châu lục, Champions League, thế chân Milan.
Những lời chỉ trích về một đội bóng không mang chất Italia và không có những cầu thủ nội trong đội hình không thể hạ thấp được những chiến thắng của họ và dù muốn hay không, ngày 22/5 tới, tất cả bán đảo hình chiếc ủng đều hướng về Madrid và trông chờ chiến thắng của Inter. Không có những lợi thế về truyền thông của Berlusconi và những tranh cãi mà Mourinho tạo ra không đoàn kết được các tifosi trung lập như Milan đã từng làm trước các trận chung kết của họ ở Champions League, nhưng đội bóng của Moratti buộc tất cả phải thừa nhận vào sức mạnh của họ và những cảm xúc mà họ đem lại. Inter chiến thắng ở Madrid hay không và hệ quả của nó là gì là một câu hỏi thú vị. Một điều chắc chắn: chưa một đội bóng nào trong lịch sử calcio gây chia rẽ lớn lao như Inter Mourinho.
Chia lại quyền lực
Mùa bóng đã qua, nhưng có những người mong nó nhanh kết thúc hơn thế và cũng có những người không bao giờ muốn nó kết thúc, như Sampdoria hay Palermo. Lần đầu tiên kể từ 5 năm nay, những tên tuổi ấy, cùng Napoli, xuất hiện trong tốp đầu của giải đấu, thế chỗ của những Juventus, Fiorentina và Udinese. Quyền lực ở tốp dưới giờ đây đã rơi vào tay những đội bóng của các thành phố biển, với những đầu tư đúng đắn vào lớp trẻ (Palermo), chính sách Italia hóa kết hợp với kỉ luật và sự thăng hoa của những ngôi sao (Sampdoria) và sự khát khao thể hiện mãnh liệt với sự ủng hộ điên cuồng của các tifosi (Napoli). Lấp lánh dưới ánh mặt trời là những Catania, Bari và Parma. Sự vươn lên ánh sáng của họ khiến cho người ta quên đi một mùa bóng hỗn độn mà chất lượng chưa hề được nâng cao so với những năm trước đó.
Sự vượt trội của Inter trên đấu trường châu lục là nỗ lực của riêng họ và Serie A không đủ khả năng làm sức bật cho họ ở Champions League, như Milan của Sacchi và Capello đã luôn thể hiện trong những năm 1990. Một so sánh nhỏ: Inter hậu Calciopoli cũng thống trị Serie A như Milan thời tiền chính trị của Berlusconi, nhưng khung cảnh calcio khác nhau, cả về chất lượng lẫn tầm vóc của giải đấu trong con mắt thế giới. Nhưng chỉ cần Inter đoạt Champions League và mùa tới Milan cùng Juve trở lại đầy ấn tượng, các tifosi sẽ lại nở những nụ cười và cái cảm giác chia rẽ như hiện tại không còn nữa.
Lời cuối cùng
Cám ơn Roma, vì đã thắp lên cho các tifosi những ước vọng thay đổi ở Serie A. Scudetto là một ảo ảnh xa vời không thể thành hiện thực, nhưng tình yêu của các tifosi và khát khao chiến thắng cháy bỏng của họ là một điểm sáng nhất của calcio, trong những năm tháng mà bóng đá Italia rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng và bị chính trị lợi dụng. Cái cảnh hàng vạn người Roma rồng rắn lên đường đến Verona cho trận cuối cùng của Serie A và một bầu không khí háo hức trong những ngày tháng 4 rực lửa, khi Roma lên đầu bảng trong một thời gian ngắn ngủi gợi lại một cảm giác hoài niệm về calcio những năm 1990. Các HLV đến rồi đi, các Scudetto chuyển từ đội nọ sang đội kia, calcio thăng rồi lại trầm và khủng hoảng, Mourinho tranh cãi và im lặng, sau khi vơ vét các danh hiệu và tiền bạc rồi cũng bỏ đi, Berlusconi cưới và li thân với Milan...chỉ có tình yêu của các tifosi là ở lại. Họ có thể bỏ vợ và chia tay người tình, nhưng calcio thì không bao giờ...
Dự cảm cho Azzurra Sự chán nản của người hâm mộ như đã và đang dành cho đội quân đi bảo vệ Cúp vàng của Lippi một tháng nữa cũng ít đi. Không phải vì trong danh sách gọi triệu tập của ông không có một cầu thủ Inter nào và gần một nửa trong số đó là những kẻ bại trận mùa này ở Juve và Milan, cũng không phải vì không có trong đội hình những số 10 mà người ta yêu mến chỉ vì đem đến cho họ những giấc mộng mà chất thực dụng Lippi không có được, mà vì một cảm giác đang ám ảnh: Italia sẽ thất bại, vì một đội hình không có gì mới, không có những khát khao cháy bỏng. Năm 1986, một Italia già nua và không có những điều mới mẻ so với 4 năm trước đã bị loại ở vòng 2 với tư cách đương kim vô địch thế giới. 24 năm sau, thảm họa ấy có thể tái diễn, thậm chí nặng nề hơn. 18 Đây là chức vô địch thứ 18 của Inter Milan (tính cả chức vô địch do Juventus bị tước trong vụ calciopoli), hơn Milan 1 Scudetto, nhưng vẫn đứng sau Juventus, đội đã 27 lần đăng quang. 10 nhà vô địch gần nhất 2000–01 Roma 2001–02 Juventus 2002–03 Juventus 2003–04 Milan 2004–05 (calciopoli) 2005–06 Inter 2006–07 Inter 2007–08 Inter 2008–09 Inter 2009–10 Inter Kết quả vòng 38 Atalanta – Bologna 1-2 Bari – Fiorentina 2-0 Cagliari – Bologna 1-1 Catania – Genoa 1-0 Chievo – Roma 0-2 Milan – Juventus 3-0 Parma – Livorno 4-1 Sampdoria – Napoli 1-0 Siena – Inter 0-1 Tổng kết mùa giải Vô địch: Inter Milan (lần thứ 18) Dự Champions League: Inter, Roma, Milan (vòng bảng), Sampdoria (play-off) Dự Europa League: Palermo, Napoli (play-off), Juventus (sơ loại) Xuống hạng: Atalanta, Siena, Livorno Chân sút hàng đầu:
29 bàn: Di Natale (Udinese) 22 bàn: Milito (Inter) 19 bàn: Pazzini (Sampdoria), Miccoli (Palermo) |