Sử dụng phân bón vi sinh trên cây lúa mang lại hiệu quả cao
08/11/2019 13:04
Sáng 8/11, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết Đề án ứng dụng phân bón vi sinh Power Ant trên cây lúa giai đoạn 2018-2019.
Thực hiện đề án ứng dụng phân bón Vi sinh Power ant trên cây lúa, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng kinh tế thành phố tiến hành khảo sát và lựa chọn đủ 125 điểm triển khai mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, với quy mô diện tích 3.125ha. Năm 2019, đề án tiếp tục được triển khai tại 125 mô hình, với nguyên tắc không lặp lại diện tích đã triển khai ở các vụ trước. Tổng lượng phân bón ứng dụng thử nghiệm 12.500l, trong đó có 6.250l phân bón Power Ant I và 6.250l phân bón Power Ant II.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn tỉnh đã tổ chức gần 300 lớp tập huấn cho trên 10.700 hộ tham gia. Qua các buổi tập huấn, người nông dân đã được nâng cao nhận thức về hậu quả của việc lạm dụng phân bón hóa học đối với môi trường, từng bước thay đổi thói quen sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Sau 2 năm triển khai thực hiện đề án cho thấy, Power Ant là sản phẩm phân bón tốt, có tác dụng cải tạo độ phì nhiêu của đất. Khi sử dụng phân bón Power Ant tiết kiệm được 20 đến 30% phân bón hóa học, cây trồng sinh trưởng phát triển cân đối hơn, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh hại nên giảm thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đất trồng lúa, hạn chế tàn dư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, trong nước, trong đất, góp phần bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển khỏe hơn so với đối chứng, đất tơi xốp, sinh vật phát triển mạnh giúp lúa bén dễ hồi xanh nhanh hơn, không bị hiện tượng ngộ độc hữu cơ trong vụ mùa.
Về hiệu quả kinh tế, Đề án góp phần giảm chi phí đầu tư(20-30% phân bón hóa học), tăng hiệu quả kinh tế so với ngoài mô hình từ 2,1 triệu đồng/ha đến 3,5 triệu đồng/ha và tăng năng suất 6-10% so với thâm canh truyền thống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án còn gặp một số khó khăn như: phân bón được đóng chai dung tích lớn, trong khi diện tích gieo cấy của nông dân nhỏ lẻ, nên việc sử dụng gặp nhiều khó khăn. Khi sử dụng phân bón Power ant II phải phun 2 lần/ vụ làm tăng chi phí sản xuất. Tại Hà Nam chưa có cơ sở cung cấp loại phân này, nên nông dân khó có cơ hội sử dụng trong sản xuất nông hộ...

Lãnh đạo Sở NN&PTNT phát biểu tại hội nghị
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả thực tế việc triển khai thực hiện đề án, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đưa các loại phân bón hữu cơ mới vào sản xuất thâm canh trên các loại cây trồng để cải tạo đất, xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Cùng đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân 2019 -2020; chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí hỗ trợ trên đất lúa, cũng như kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
PV
Ý kiến bạn đọc
Tin mới đăng
• Chúc tết gia đình các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ
• Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam hiệp thương bổ sung Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2019 - 2024
• Đồng chí Phạm Thị Bích Ngọc được điều động giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam
• Lý Nhân tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2020
• Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phải tổ chức bầu cử dân chủ, chọn những đại biểu xứng đáng
• Lãnh đạo Thành phố Phủ Lý thăm và tặng quà tết
• Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
• Lãnh đạo Huyện Thanh Liêm thăm tặng quà tết các gia đình chính sách và hộ nghèo trên địa bàn
• Thường trực HĐND tỉnh thăm, tặng quà tết các đồng chí nguyên lãnh đạo HĐND tỉnh
• Giao ban công tác Báo chí tháng 1 năm 2021
Tin bài đã đăng